Bếp từ hoạt động trên nguyên lý làm nóng bằng cảm ứng của sóng điện từ. Do vậy, bếp không tỏa khói, an toàn, hạn chế cháy nổ. Bề mặt bếp thường được làm bằng sứ cao cấp hoặc kính chịu nhiệt nên rất dễ vệ sinh, kể cả khi đang nấu. Các nút điều chỉnh nhiệt độ với nhiều chức năng: nấu cháo, lẩu, xúp, chiên, xào… được điều khiển qua màn hình LCD và một số chức năng tiện ích khác như hẹn giờ tự tắt.
Các so sánh cho thấy, hiệu suất đun nóng của các loại bếp khác nhau, trong đó bếp từ tiết kiệm nhiên liệu cao hơn các loại bếp: cụ thể bếp gas là 40%, bếp cồn 48%, lò vi sóng là 70%, và bếp từ đạt tới 90%. Công suất của bếp thường ở mức 1.800W – 2.000W nên mức độ tiêu thụ điện lớn. Vì thế, để đảm bảo an toàn, phải dùng các phích cắm ổ cắm riêng. Dây điện phải chịu được tải của công suất bếp từ, với tiết diện tối thiểu 0,75mm2 để đảm bảo an toàn. Không sử dụng bếp từ bằng những nguồn điện không ổn định dễ gây cháy hỏng các thiết bị điện.
Dù được xem là bếp nấu có độ an toàn cao nhưng người sử dụng cần tuân thủ một số điểm sau:
Khi đang nấu: không để dao, đĩa, bát tráng men, nắp lọ, vung nồi bằng sắt lên mặt bếp. Do các vật dụng sẽ dẫn nhiệt và nóng lên rất nhanh, gây nguy hiểm. Không dịch chuyển bếp khi đang nấu. Không để thức ăn hoặc nước thấm vào mạch điện của bếp. Tuyệt đối không sờ tay vào mặt bếp khi đang hoặc sau khi nấu vì nhiệt độ từ nồi có thể gây bỏng. Phải chỉnh nhiệt độ tự tắt vì bếp không có chế độ tự tắt khi thức ăn chín. Khi nấu phải đặt nồi trong phạm vi quy định rồi mới bật công tắc điện. Không sử dụng bếp từ ở những nơi dễ cháy và gần chất gây nổ. Không đặt bếp gần nguồn nước hoặc nơi ẩm ướt. Lưu ý, những ai đang đeo máy kích nhịp tim thì không nên sử dụng bếp từ, vì có thể xảy ra hiện tượng nhiễm từ, nguy hiểm đến sức khỏe. Ngoài ra các thiết bị điện tử và các thiết bị gia dụng cũng dễ bị nhiễm từ gây hư hỏng nếu đặt chung với bếp đang sử dụng trong phạm vi 3m.
Khi không sử dụng bếp: hoặc đang nấu mất điện đột ngột thì nên rút dây khỏi phích cắm. Chỉ dùng khăn ẩm và mềm để vệ sinh bếp. Thường xuyên vệ sinh quạt gió bên dưới của bếp từ.
Một lưu ý khác là bếp từ có nhiều hệ thống điện và điện từ, do đó khi phát sinh sự cố cần đưa đến các cửa hàng sửa chữa chuyên dụng, không nên tự mình tháo rời các linh kiện ra sửa chữa. Một hạn chế lớn của bếp từ là chỉ sử dụng dụng cụ nấu nướng bằng inox hoặc sắt, thủy tinh có sợi kim loại và phải có đáy bằng.
Linh kiện thay thế: bếp từ là sản phẩm cơ khí công nghệ cao nên khi các sản phẩm của bếp bị hư hỏng – dù nhỏ như cầu chì, dây điện… cũng phải dùng hàng chính hãng để thay thế. Do đó, khi quyết định mua sản phẩm bếp từ bạn phải chú ý đến vấn đề tìm kiếm linh kiện nếu bếp bị hỏng, nhất là những loại bếp cao cấp.
Bếp từ hiện có nhiều chủng loại khác nhau. Các thương hiệu uy tín và có bảo hành như Sanyo, Media, Supor, Fusbio… giá từ 250.000đ – 1 triệu đồng/ chiếc. Các dòng sản phẩm cao cấp nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Đức, có giá trên 10 triệu đồng/chiếc.
Nguồn: phunuonline.com.vn